Nhân Thọ cung biến Trần_Tuyên_Hoa

Năm Nhân Thọ thứ 4 (604), Tùy Văn Đế bệnh nặng phải dưỡng bệnh ở Nhân Thọ cung (仁壽宮), đại sự trong triều giao cho Thái tử Dương Quảng[6].

Căn cứ Tùy thư cùng Tư trị thông giám, Thái tử Dương Quảng hay ra vào cung thăm Tùy Văn Đế, thấy Tuyên Hoa phu nhân dung mạo diễm lệ, yểu điệu thướt tha, ánh mắt long lanh như nước hồ thu, giọng nói nũng nịu, dáng đi mềm mại, trong lòng lại nổi lên sự ham muốn. Sau đó, Dương Quảng lên tiếng chọc ghẹo rồi giở trò cưỡng bức Tuyên Hoa phu nhân. Bà hoảng sợ, chạy về Nhân Thọ cung khóc lóc. Văn Đế hỏi nguyên do, bà khóc mà nói: "Thái tử vô lễ", và kể hết sự tình cho Văn Đế nghe.

Văn Đế nghe xong tức giận, bảo: "Súc sinh làm sao có thể gánh vác đại sự? Độc Cô làm hỏng việc lớn của ta rồi! Nếu không nhân lúc trẫm còn chút hơi thở phế bỏ tên súc sinh này, lập lại con trưởng Dương Dũng làm thái tử, hậu sự há có thể lường được chăng?"

Rồi sai Binh bộ Thượng thư Liễu Thuật (柳述) và Hoàng môn thị lang Nhan Nghiêm (元巖) vào nghị sự, chuẩn bị triệu hồi Phế Thái tử Dương Dũng, là ngầm ý muốn phế bỏ vị trí Thái tử của Dương Quảng. Dương Tố biết được, bèn báo Dương Quảng, cuối cùng Thái tử lập mưu, sai kẻ hầu Trương Hoành vào Nhân Thọ cung, đuổi Tuyên Hoa phu nhân và các phu nhân khác ra ngoài, rồi dùng rượu độc sát hại Tùy Văn Đế[7][8].

Tuyên Hoa phu nhân cùng các cung nhân biết sự tình không thích hợp, tương đương sợ hãi. Sau khi giết cha, Thái tử Dương Quảng sai người tới chỗ Tuyên Hoa phu nhân, tặng cho một hộp quà vàng. Nàng hoảng sợ, cho rằng trong đó là rược độc. Tuy nhiên sau khi mở hộp ra thì đó là những chiếc đồng tâm kết bằng gấm. Tuy không phải chết, nhưng bà lại tỏ ra lo buồn, lại định bỏ đi mà không đáp tạ món quà của Thái tử. Các cung nữ can ngăn, bà mới nhớ đến việc tạ ơn[9]. Đêm đó, Thái tử đến cung của phu nhân, giở trò cưỡng bức[10]. Tuy nhiên, tác giả thời sơ Đường là Triệu Nghị ghi trong 《Đại Nghiệp lược ký - 大业略记》, thì người nữ chính trong sự biến lại là Dung Hoa phu nhân[11].

Ngày 21 tháng 8, Thái tử Dương Quảng lên ngôi, tức Tùy Dượng Đế. Tuyên Hoa phu nhân theo chế độ cung Tùy, nhập Tiên Đô cung (仙都宮) để cầu đảo cho Tiên đế, thế nhưng bà ngay sau đó bị Dạng Đế bắt quay trở về hậu cung, ý định nạp làm thiếp. Tuyên Hoa phu nhân bất đắc dĩ phải thuận theo. Năm sau (605), Trần thị đột ngột qua đời, chung niên 29 tuổi. Dượng Đế thương tiếc, làm bài thơ Thần thương phú (神傷賦) để tưởng nhớ bà[1][12].